Nhập khẩu đồ chơi trẻ em không chỉ đơn thuần là việc chuyển hàng qua biên giới. Đó là một quá trình cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn sản phẩm và hải quan, nhằm bảo vệ lợi ích của trẻ em và đảm bảo công bằng thương mại. Thấu hiểu những thách thức này, chúng tôi sẽ điểm qua các bước cần thiết để đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhập khẩu đồ chơi trẻ em qua bài viết sau.
Điều kiện nhập khẩu đồ chơi trẻ em theo luật
Thị trường đồ chơi và trò chơi dành cho trẻ em ở Việt Nam chứng kiến sự gia tăng đáng kể về số lượng và đa dạng về nguồn gốc, với sự tham gia của nhiều quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật và Trung Quốc.
Trước kia, doanh số bán hàng đồ chơi thường tăng vọt vào các dịp lễ truyền thống như Tết Trung thu và Tết Nguyên Đán, bởi đó là thời gian gia đình thường dành thời gian để mua sắm cho trẻ em. Tuy nhiên, ngày nay, với sự cải thiện của đời sống, nhu cầu mua sắm đồ chơi không còn giới hạn trong những dịp lễ đặc biệt mà đã trải dài xuyên suốt cả năm.
Đối với các doanh nghiệp quan tâm đến thị trường tiềm năng này, việc nhập khẩu và kinh doanh đồ chơi trở nên phức tạp hơn với hàng loạt câu hỏi liên quan đến quy định và thủ tục hải quan.
Một trong những bước đầu tiên và quan trọng là tìm hiểu kỹ về các chính sách thông qua việc nghiên cứu các văn bản quy phạm như Thông tư số 26/2018/TT-BVHTTDL, bổ sung và sửa đổi một số điều của Thông tư số 28/2014/TT-BVHTTDL.
Điều kiện để có thể nhập khẩu đồ chơi cho trẻ em vào Việt Nam bao gồm các yêu cầu sau:
- Đồ chơi phải là hàng mới, chưa hề qua sử dụng.
- Chất lượng sản phẩm phải phù hợp với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho an toàn đồ chơi trẻ em, dựa trên các quy định của Thông tư số 18/2009/TT-BKHCN và đang chuyển tiếp đến QCVN 3:2019/BKHCN, với việc áp dụng bắt buộc từ ngày 1 tháng 1 năm 2021.
- Đồ chơi không được chứa nội dung hay thiết kế có thể gây hại cho quá trình giáo dục, phát triển nhân cách, hoặc sức khỏe của trẻ em và không vi phạm quy định tại Điều 6 của thông tư liên quan.
Như vậy, việc kinh doanh và nhập khẩu đồ chơi không chỉ yêu cầu sự am hiểu về thị trường mà còn đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn và quy định pháp lý hiện hành. Với từng quốc gia riêng biệt sẽ có những điều luật và chế tài riêng cho mặt hàng đồ chơi trẻ em. Vì đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. Ở nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, các điều luật về hàng hóa là đồ chơi trẻ em được quy định rất kỹ, rất khắt khe.
Quy định nhãn mác sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập khẩu
Khi nhập khẩu đồ chơi trẻ em, việc gắn nhãn cho sản phẩm là một quy định không thể bỏ qua. Nhãn sản phẩm phải chứa đầy đủ thông tin cần thiết như sau:
- Tên sản phẩm.
- Thương hiệu hãng sản xuất.
- Nhà máy, nơi trực tiếp sản xuất đồ chơi.
- Quốc gia xuất xứ.
- Thành phần cấu tạo của sản phẩm.
- Thông số kỹ thuật.
- Thông tin cảnh báo an toàn.
- Hướng dẫn sử dụng chi tiết.
- Năm sản xuất của sản phẩm.
Khi đảm bảo về nhãn mác sản phẩm đối với đồ chơi trẻ em, doanh nghiệp mới có thể xuất – nhập khẩu hàng hóa dễ dàng và nhanh chóng. Chỉ cần thiếu một trong số những quy định trên, rất có thể lô hàng đồ chơi trẻ em sẽ bị từ chối thông quan.
Xem thêm: Dịch vụ khai hải quan trọn gói Alphatrans
Quy định hồ sơ bảng công bố hợp quy đồ chơi nhập khẩu
Đối với hồ sơ hợp quy, một loạt các chứng từ cần được chuẩn bị và nộp theo đúng quy định như sau:
- Bản công bố hợp quy của sản phẩm theo mẫu quy định.
- Bản mô tả chi tiết về tính năng và đặc điểm kỹ thuật của đồ chơi.
- Báo cáo kết quả kiểm định từ phòng thí nghiệm được công nhận hoặc được chỉ định chính thức.
- Kế hoạch quản lý chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất, hoặc bản sao của chứng chỉ ISO 9001, nếu có áp dụng.
- Chứng nhận lưu hành tự do từ nước sản xuất đồ chơi.
- Chứng từ về giám sát chất lượng sản phẩm theo định kỳ.
- Bản chứng nhận hợp quy cấp bởi tổ chức có thẩm quyền.
- Một số tài liệu khác tùy theo thể loại đồ chơi mà sẽ có các yêu cầu khác.
Tất cả hồ sơ này sau đó phải được nộp tại Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cơ quan do Bộ Khoa Học và Công Nghệ chỉ định. Bởi vì đồ chơi là một trong những mặt hàng nằm trong danh mục quản lý của bộ này.
Hồ sơ thủ tục hải quan nhập khẩu đồ chơi trẻ em cần chuẩn bị
Trong quá trình nhập khẩu đồ chơi dành cho trẻ em, việc chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ là bước đầu tiên và cơ bản để đảm bảo quá trình hải quan diễn ra suôn sẻ. Bộ hồ sơ thủ tục hải quan nhập khẩu đồ chơi trẻ em này cần phải bao gồm:
- Tờ khai nhập khẩu, làm rõ thông tin về lô hàng.
- Hóa đơn thương mại (Invoice), cung cấp chi tiết về giá trị và mô tả hàng hóa.
- Danh sách đóng gói (Packing List), nêu rõ số lượng và cách thức đóng gói của sản phẩm.
- Vận đơn (Bill of Lading), xác nhận vận chuyển hàng hải và là bằng chứng của việc giao nhận hàng hóa.
- Chứng nhận xuất xứ (C/O), là tài liệu cần thiết để xác định nguồn gốc sản phẩm.
- Bảng công bố hợp quy, khẳng định sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định áp dụng.
Việc sắp xếp và nộp đúng các giấy tờ này tại cơ quan hải quan là điều cần thiết để đảm bảo quá trình thông quan diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Chắc hẳn, thông qua bài viết này, quý doanh nghiệp cũng đã có được cái nhìn khái quát về thủ tục hải quan nhập khẩu đồ chơi trẻ em rồi đấy. Dù vậy, đây chỉ là những kiến thức cơ bản. Quy định về loại mặt hàng được phép nhập khẩu và xem là đồ chơi cũng thường xuyên được cập nhật/thay đổi. Vì vậy, việc trang bị thêm kiến thức và thông tin mới nhất sẽ giúp quý doanh nghiệp không chỉ nhập khẩu thành công mà còn đảm bảo an toàn và lợi ích cho người tiêu dùng.