Hoạt động quá cảnh hàng hóa không còn quá xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam. Thủ tục hải quan hàng quá cảnh hiện nay cũng được tối ưu hóa để tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí. Vậy chi tiết về thủ tục này như thế nào? Hãy cùng chúng tôi cập nhật theo quy định mới nhất trong bài viết này.
1. Thủ tục hải quan hàng quá cảnh là gì
Thủ tục hải quan hàng quá cảnh là trình tự các bước làm việc đối với hàng hóa quá cảnh được thực hiện bởi cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Vậy, như thế nào được gọi là hàng quá cảnh?
Đây là loại hàng hóa được vận chuyển qua giữa các quốc gia và phải đi qua lãnh thổ Việt Nam. Thời gian hàng hóa lưu lại trong nước chỉ được trong mức xác định. Trong thời gian quá cảnh, các hoạt động được thực hiện với hàng hóa là: truyền tải, phân tách đơn, lưu kho.
Cơ sở pháp lý của thủ tục hải quan hàng quá cảnh:
– Luật Hải quan 2014;
– Luật Thương mại 2005;
– Nghị định số 187/2013/NĐ-CP của Chính phủ;
– Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính;
– Công văn số 10169/BTC-TCHQ của Tổng cục Hải quan;
– Công văn số 2733/TCHQ-GSQL của Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan.
2. Thủ tục hải quan cho hàng quá cảnh tại Việt Nam
Hàng hóa quá cảnh tại Việt Nam phải thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh, doanh nghiệp cần lưu ý về thời gian và bộ hồ sơ hải quan. Doanh nghiệp có thể tự mình làm thủ tục hoặc ủy quyền cho người trung gian, đại lý hải quan thay mình làm thủ tục.
2.1 Địa điểm làm thủ tục hải quan hàng quá cảnh
Địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng quá cảnh là tại trụ sở hải quan tại cửa khẩu nhập khẩu đầu tiên. Trước khi xuất cảnh, doanh nghiệp cần làm thủ tục tại cửa khẩu cuối cùng. Đối với các nước trong khối ASEAN, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu.
Trong trường hợp hàng quá cảnh từ Việt Nam đến các quốc gia khác, địa chỉ làm thủ tục có thể tại Chi cục hải quan ngoài cửa khẩu hoặc tại Chi cục hải quan cửa khẩu xuất. Với hàng làm thủ tục trên hệ thống ACTS, doanh nghiệp chỉ được thực hiện tại các cửa khẩu sau:
– Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh)
– Cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị)
– Cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh)
2.2 Thời gian quá cảnh của hàng hóa tại Việt Nam
Hàng hóa quá cảnh tại Việt Nam trong thời hạn không quá 30 ngày. Thời hạn được tính từ ngày doanh nghiệp thực hiện xong thủ tục quá cảnh (trừ trường hợp được lưu kho hoặc phải chịu hư hại và còn chờ giải quyết).
Đối với hàng hóa hư hỏng cần thời gian khắc phục thì thời hạn quá cảnh có thể kéo dài nhưng cần phải được sự chấp thuận của cơ quan Hải quan. Trong thời gian lưu kho, hàng hóa chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan có thẩm quyền.
2.3 Hồ sơ hải quan hàng quá cảnh
Người làm thủ tục hải quan cần chuẩn bị bộ hồ sơ gồm các tài liệu sau:
– Tờ khai hải quan hàng quá cảnh với đầy đủ thông tin theo mẫu của Bộ Tài chính ban hành.
– Giấy phép quá cảnh hàng hóa hoặc chứng từ có giá trị tương đương.
– Thư bảo lãnh hoặc chứng từ chứng minh việc đã đóng tiền thuế bảo lãnh, đặt cọc.
– Tờ khai hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu.
2.4 Trách nhiệm của các bên
– Đối với người khai hải quan
Người khai hải quan phải khai đầy đủ, chính xác thông tin và cung cấp đầy đủ chứng từ theo quy định. Nếu đăng ký hàng quá cảnh qua hệ thống ACTS thì cần chuẩn bị bản cứng để nộp lại cho cơ quan Hải quan. Khi được yêu cầu, doanh nghiệp phải xuất trình hàng hóa.
– Đối với chi cục Hải quan
Cơ quan Hải quan có trách nhiệm kiểm tra và đối chiếu thông tin. Trong trường hợp thấy giấy tờ chưa đầy đủ hoặc có nghi vấn thì phải thông báo lại cho người khai hải quan và tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa. Cán bộ hải quan có trách nhiệm yêu cầu người khai hải quan chuẩn bị, bổ sung giấy tờ để hồ sơ hợp lệ.
Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan có trách nhiệm niêm phong hàng hóa và giám sát hàng lưu kho. Khi giao hàng cho doanh nghiệp phải đảm bảo hàng vẫn nguyên vẹn như lúc ký gửi. Khi hàng xuất quan, chi cục Hải quan có trách nhiệm giám sát và xác nhận đã xuất hàng.
Xem thêm: Dịch vụ khai hải quan Alphatrans
3. Lưu ý về hàng quá cảnh – Doanh nghiệp cần biết để tránh sai phạm
Xuất – Nhập hàng quá cảnh có những quy định đặc thù. Do vậy, các doanh nghiệp ngoài nắm các thông tin về hồ sơ, thủ tục hải quan, cũng cần bỏ túi một số kinh nghiệm, lưu ý nhỏ bên dưới đây:
3.1 Hàng hóa được chuyển cửa khẩu quá cảnh
– Hàng của nhiều chủ hàng nhưng có chung đơn vận tải;
– Hàng tạm nhập để tham dự hội chợ, triển lãm hoặc hàng dự hội chợ, triển lãm được tái nhập khẩu;
– Thiết bị, máy móc, vật tư để xây dựng, thi công công trình;
– Nguyên vật liệu, vật tư điểm kiểm tra tại nội địa;
– Hàng hóa chuyển từ cửa khẩu về kho ngoại quan hoặc ngược lại;
– Hàng nhập khẩu vào khu chế xuất và chuyển từ khu chế xuất ra cửa khẩu.
3.2 Hàng phải xin phép
– Hàng thuộc danh mục cấm vận chuyển, cấm xuất nhập khẩu hoặc tạm ngừng xuất nhập khẩu tại Việt Nam;
– Hàng vũ khí, đạn dược, thuốc nổ;
– Thuốc lá, xì gà;
– Mặt hàng chuyên dụng để phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng;
– Các loại gỗ từ quốc gia chung đường biên giới với Việt Nam.
Tóm lại, thủ tục hải quan hàng quá cảnh có thể được thực hiện trực tiếp tại cửa khẩu hoặc thông qua hệ thống ACTS (Áp dụng đối với các nước thành viên ASEAN). Doanh nghiệp có trách nhiệm chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu, khai báo thông tin chính xác và tuân thủ thời hạn quá cảnh. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần lưu ý loại hàng hóa quá cảnh có thuộc danh mục hàng phải xin phép hay không để kịp thời xin giấy phép từ cơ quan có thẩm quyền.
Để hiểu kỹ rõ hơn về những điều luật và quy định liên quan hàng hóa quá cảnh tại từng quốc gia, các doanh nghiệp nên nhờ sự tư vấn từ các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ hải quan. Điều này, sẽ giúp doanh nghiệp hiểu đúng – chính xác, giảm thiểu sai sót và rủi ro trong suốt quá trình quá cảnh hàng hóa.