Giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan là văn bản thường được sử dụng khi doanh nghiệp muốn ủy quyền lại cho cá nhân/ tổ chức thay mình thực hiện công việc. Ủy quyền trong lĩnh vực hải quan thường xuất hiện phổ biến, việc ủy quyền cần được thể hiện bằng văn bản.
Mời quý doanh nghiệp tiếp tục theo dõi bài viết này để có được thông tin hữu ích, mới cập nhật về giấy ủy quyền làm thủ tục xuất nhập khẩu.
1. Giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan là gì
Giấy ủy quyền trong đời sống dân sự nói chung là hành vi pháp lý giữa người ủy quyền và người được ủy quyền để thay mình thực hiện công việc nào đó. Giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan là văn bản pháp lý mà doanh nghiệp xây dựng để ủy quyền cho cá nhân/ tổ chức làm thủ tục hải quan trong phạm vi thỏa thuận.
Việc ủy quyền làm thủ tục hải quan được pháp luật cho phép, căn cứ theo khoản 14 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014. Cụ thể nội dung có liệt kê các chủ thể khai hải quan bao gồm: Chủ hàng hóa, chủ phương tiện vận tải hoặc người điều khiển phương tiện vận tải; đại lý làm thủ tục hải quan; người được chủ hàng hóa/ chủ phương tiện vận tải ủy quyền để làm thủ tục hải quan.
2. Mẫu giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan
Theo quy định hiện hành, việc ủy quyền để làm thủ tục hải quan cần phải thể hiện bằng văn bản; tuy nhiên lại chưa có mẫu giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan chính thức. Dựa trên Công văn số 811/GSQL-GQ1 ngày 17/6/2016 của Cục Giám sát quản lý về Hải quan, Tổng cục Hải quan, ta có thể rút ra một số nội dung quan trọng như sau:
– Người đại diện cho doanh nghiệp khi đến làm thủ tục cần xuất trình văn bản chứng minh mình được doanh nghiệp cử đến làm thủ tục.
– Các Cục, Chi cục Hải quan có trách nhiệm hướng dẫn cho doanh nghiệp xây dựng Giấy ủy quyền theo nội dung đã được tập huấn, hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.
Như vậy, doanh nghiệp có thể tự xây dựng văn bản Giấy ủy quyền với nội dung phù hợp. Để có được hướng dẫn cụ thể, quý doanh nghiệp nên liên hệ với cơ quan Hải quan có thẩm quyền.
Xem thêm: Dịch vụ khai báo hải quan Alphatrans
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trong giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan
Ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên: bên ủy quyền và bên được ủy quyền. Trong đó, mỗi bên đều có quyền và nghĩa vụ riêng. Nội dung này đã được ghi nhận tại Điều 567 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:
3.1 Quyền của bên ủy quyền
– Yêu cầu bên được ủy quyền thông báo đầy đủ thông tin và tiến độ thực hiện công việc đã ủy quyền.
– Bên được ủy quyền phải giao tài sản hoặc lợi ích thu được khi thực hiện công việc ủy quyền (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
– Được bồi thường thiệt hại nếu bên được ủy quyền vi phạm nghĩa vụ.
3.2 Nghĩa vụ của bên ủy quyền
– Cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu, phương tiện cho bên được ủy quyền để thực hiện công việc được ủy quyền.
– Chịu trách nhiệm về cam kết của bên được ủy quyền trong phạm vi ủy quyền.
– Thanh toán chi phí hợp lý để bên được ủy quyền thực hiện công việc ủy quyền.
3.3 Quyền của bên được ủy quyền
– Yêu cầu bên ủy quyền cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết để thực hiện công việc.
– Được chi trả chi phí hợp lý để thực hiện công việc và nhận thù lao nếu có thỏa thuận.
3.4 Nghĩa vụ của bên được ủy quyền
– Thực hiện công việc và thông báo cho bên ủy quyền về tiến độ thực hiện công việc được ủy quyền.
– Thông báo về phạm vi ủy quyền của bên thứ ba trong quan hệ ủy quyền.
– Giữ gìn, bảo quản tài liệu hoặc công cụ thực hiện ủy quyền.
– Giữ bảo mật về thông tin.
– Hoàn trả tài sản, lợi ích đã nhận trong quá trình thực hiện việc ủy quyền cho bên ủy quyền theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
– Bồi thường thiệt hại cho bên ủy quyền nếu vi phạm nghĩa vụ.
4. Những nội dung cần lưu ý khi lập giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan
Giấy ủy quyền có thể được xây dựng linh hoạt theo nhu cầu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để văn bản này có tính hợp pháp và bảo vệ quyền lợi tối đa cho các bên thì ta cần chú ý những điều sau:
– Thể hiện đầy đủ thông tin của bên ủy quyền và bên được ủy quyền về họ và tên, ngày tháng năm sinh, số căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, địa chỉ thường trú/ tạm trú,…
– Trình bày chi tiết căn cứ ủy quyền (nếu có).
– Nội dung ủy quyền phải ghi cụ thể nội dung công việc ủy quyền, thời hạn ủy quyền. Chú ý ghi rõ thời hạn ủy quyền bắt đầu từ ngày tháng năm nào.
– Có nội dung về thỏa thuận phạt vi phạm, trách nhiệm của các bên khi xảy ra tranh chấp.
– Bên ủy quyền và bên được ủy quyền ký tên, đóng dấu vào giấy ủy quyền rồi tiến hành thủ tục chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân xã hoặc Văn phòng công chứng.
– Điều kiện chấm dứt thỏa thuận ủy quyền, thỏa thuận về việc đơn phương chấm dứt việc ủy quyền.
– Nội dung về thỏa thuận giải quyết khi xảy ra tranh chấp giữa các bên.
Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp có nhu cầu ủy quyền cho người khác làm thủ tục hải quan thay mình. Lúc này, cần phải xây dựng giấy ủy quyền làm thủ tục hải quan có hình thức và nội dung theo đúng quy định. Doanh nghiệp nên tìm hiểu và liên hệ cơ quan Hải quan có thẩm quyền để được hướng dẫn chính xác nhất.