Số lượng các khu công nghiệp, khu chế xuất tại Việt Nam đang tăng mạnh theo thời gian, kéo theo đó là sự phát triển như vũ bão của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Bài viết ngày hôm nay sẽ cung cấp thông tin chi tiết về thủ tục khai hải quan vào khu chế xuất. Việc nắm rõ thủ tục hải quan sẽ tạo điều kiện cho việc thông quan và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp diễn ra suôn sẻ, hạn chế tối đa rủi ro vi phạm pháp luật.
1. Cơ sở pháp lý của thủ tục khai hải quan vào khu chế xuất
Doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan khu chế xuất nên tìm hiểu thật kỹ hệ thống quy phạm pháp luật có liên quan. Hiện nay những quy định hiện hành cần nghiên cứu bao gồm:
– Luật Hải quan 2014;
– Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ;
– Thông tư số 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính;
– Thông tư số 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2015/TT-BTC;
– Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính;
– Thông tư số 119/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC.
2. Thủ tục hải quan giữa 2 doanh nghiệp chế xuất
Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên về sản xuất hàng xuất khẩu hoặc cung ứng dịch vụ cho sản xuất và hoạt động xuất khẩu. Thủ tục hải quan với doanh nghiệp chế xuất có sự khác biệt so với các doanh nghiệp ngoài khu chế xuất.
2.1 Danh mục hàng hóa yêu cầu làm thủ tục hải quan của doanh nghiệp chế xuất
– Hàng hóa doanh nghiệp chế xuất mua từ nội địa có thuế xuất xuất khẩu (trừ trường hợp là hàng được sử dụng làm nguyên liệu, vật tư bị tiêu hao trong quá trình sản xuất của doanh nghiệp).
– Hàng nhập khẩu phục vụ hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp (ví dụ: máy móc, nguyên liệu, vật tư,…).
2.2 Hàng hóa không yêu cầu làm thủ tục hải quan doanh nghiệp chế xuất
Doanh nghiệp chế xuất không phải làm thủ tục khai hải quan với 04 trường hợp:
– Doanh nghiệp mua bán hàng nhập khẩu từ nước ngoài với doanh nghiệp nội địa (đã nộp đủ thuế và thực hiện chính sách quản lý hàng hóa);
– Hàng mua từ nội địa đã nộp đủ các loại thuế;
– Hàng hóa được doanh nghiệp đưa vào nội địa để gia công và nhận lại sản phẩm gia công từ nội địa;
– Hàng hóa được doanh nghiệp chế xuất nhận về để gia công rồi trả lại sản phẩm gia công vào nội địa.
Doanh nghiệp chế xuất có quyền lựa chọn làm hoặc không làm thủ tục đối với một số trường hợp cụ thể, bao gồm:
– Hàng mua, bán, thuê hoặc mượn giữa các doanh nghiệp chế xuất;
– Nguyên liệu, vật tư, thiết bị, máy móc trong hợp đồng gia công giữa 2 doanh nghiệp chế xuất;
– Hàng là vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm, văn phòng phẩm, hàng tiêu dùng mua trong nội địa để xây dựng công trình, phục vụ sinh hoạt và điều hành bộ máy văn phòng của người làm trong doanh nghiệp chế xuất;
– Hàng luân chuyển trong nội bộ doanh nghiệp chế xuất hoặc luân chuyển giữa các doanh nghiệp chế xuất trong cùng khu chế xuất;
– Hàng của các doanh nghiệp chế xuất nằm trong cùng tập đoàn hoặc hệ thống công ty tại Việt Nam và phải có hạch toán phụ thuộc;
– Hàng đưa vào doanh nghiệp chế xuất để bảo hành, sửa chữa hoặc thực hiện công đoạn trong hoạt động sản xuất (như: phân loại, kiểm tra, đóng gói, đóng gói lại).
2.3 Một số lưu ý
– Đối với trường hợp không làm thủ tục hải quan, doanh nghiệp chế xuất cần lập và lưu trữ chứng từ, sổ sách; thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán; xác định rõ mục đích và nguồn hàng hóa.
– Nếu doanh nghiệp lựa chọn làm thủ tục hải quan với trường hợp hàng hóa thông thường thì thực hiện theo thủ tục xuất nhập khẩu thông thường.
– Mọi giấy tờ kê khai hải quan cần chuẩn bị đầy đủ, chính xác. Kiểm tra kỹ lưỡng trước khi gửi nộp cơ quan hải quan (Trực tiếp hoặc thông qua phần mềm hải quan điện tử).
Xem thêm: Dịch vụ khai hải quan trọn gói Alphatrans
3. Thủ tục hải quan bán hàng vào khu chế xuất
Thủ tục hải quan khu chế xuất là trình tự các công việc mà doanh nghiệp cần phải thực hiện để có thể bán hàng vào khu chế xuất. Khu vực này bao gồm khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa xuất khẩu, cung ứng dịch vụ cho sản xuất và hoạt động xuất khẩu; được ngăn cách với khu vực bên ngoài.
Đối với trường hợp cần làm thủ tục hải quan đối với doanh nghiệp chế xuất thì trình tự bao gồm những bước như sau:
3.1 Hồ sơ khai báo hải quan
Doanh nghiệp thực hiện thủ tục khai hải quan vào khu chế xuất cần chuẩn bị bộ chứng từ như sau:
– Hợp đồng mua bán;
– Hóa đơn bán hàng;
– Phiếu đóng gói hàng hóa;
– Các chứng từ khác đối với hàng phải kiểm tra chuyên ngành, kiểm tra chất lượng,…
3.2 Nộp tờ khai hải quan online
Doanh nghiệp cần đăng ký chữ ký số và mở tài khoản hải quan điện tử để thực hiện thao tác nộp tờ khai hải quan online. Phần mềm khai hải quan điện tử ECUS được phát triển để hỗ trợ doanh nghiệp làm thủ tục nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và tiện lợi. Đây là một nỗ lực không hề nhỏ của Cục Hải quan Việt Nam. Từ khi ứng dụng khai báo hải quan điện tử vào thông quan hàng hóa, phần nào đó đã tạo nên bước đà phát triển cho rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam.
3.3 Giải quyết thông quan
Sau khi nộp tờ khai thành công, hệ thống sẽ xử lý thông tin và đưa ra kết quả phân luồng cho hàng hóa. Tùy từng trường hợp cụ thể, đơn vị Hải quan sẽ có hướng dẫn chi tiết để đơn vị kiểm tra, xử lý và tiến hành thông quan.
Ngoài những giấy tờ, thủ tục hải quan, doanh nghiệp cũng cần tìm hiểu kỹ về các loại thuế hải quan cho từng mặt hàng và chính sách đánh thuế của từng quốc gia xuất nhập khẩu. Việc hiểu rõ về thuế cũng là một trong những yếu tố quyết định đến thủ tục thông quan hàng hóa. Đồng thời giúp doanh nghiệp đưa ra giá thành/đơn vị sản phẩm hợp lý khi bán lẻ tại thị trường Việt Nam hay các nước.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, có một số loại hàng hóa doanh nghiệp có thể không cần làm thủ tục khai hải quan vào khu chế xuất. Để thuận tiện cho việc thông thương, quý doanh nghiệp nên nghiên cứu thật kỹ cơ sở pháp lý. Nếu còn vấn đề thắc mắc, xin liên hệ tới tổng đài trực tuyến của chúng tôi để được hỗ trợ tận tình.